Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ trồng cây cần sa tại nhà. Sở dĩ ngày càng có nhiều đối tượng ngang nhiên trồng loại cây này một phần là do việc mua bán hạt giống cần sa trên các trang mạng xã hội rất dễ dàng. Nếu không có chế tài xử lý mạnh các đối tượng này thì việc mua bán hạt cũng như sản phẩm từ cây cần sa kiểu này sẽ còn tiếp tục tràn lan.
Mua hạt giống cần sa dễ như mua kẹo
Để sở hữu những hạt giống cây cần sa giờ chẳng khó khăn gì. Chỉ cần lên mạng xã hội Facebook, ai cũng có thể mua được loại hạt giống này với giá cả hết sức bất ngờ. Vào phần tìm kiếm của Facebook, phóng viên gõ từ khóa “hạt giống cần sa” thì ngay tức khắc hiện ra một lit dài các tài khoản chuyên cung cấp giống cây đặc biệt này.
Trên trang Facebook có tên “Hạt giống cần sa” đăng bán rất công khai, chủ tài khoản này đăng bán nhiều loại “kush” nhập khẩu - một loại cần sa có xuất xứ nước ngoài. Người bán trả lời tin nhắn hết sức chuyên nghiệp và nhiệt tình, họ cũng không quên cam kết có sẵn số lượng lớn với nhiều chủng loại, màu sắc và mùi vị khác nhau.
Cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ số lượng lớn cây cần sa do ông Tiberghien Frederec (55 tuổi, quốc tịch Pháp) trồng tại vườn. |
Theo người bán hàng, giá mỗi gói 20 hạt cây “rau cần” khoảng 200.000 đồng. “Bên em bán hàng uy tín, đảm bảo sau 30 ngày gieo hạt sẽ nảy mầm... Sau khi hạt nảy, chị cắm đầu nảy mầm xuống đất. Đặc biệt chị phải chú ý với lượng nước, độ ẩm của đất gieo trồng là lên thôi. Còn khi cây nảy mầm, chị có thể liên lạc lại với em để tư vấn về ánh sáng, gió khi trồng trong nhà. Còn nếu trồng ngoài trời thì cứ thế là lên, như trồng rau thôi ạ” - một người bán hàng trả lời inbox.
Việc vận chuyển hạt giống về Việt Nam cũng như bán cho khách cũng rất khó khăn và được thực hiện kín đáo. Hạt giống được vận chuyển xuyên Việt qua đường chuyển phát nhanh. Quá trình giao dịch qua mạng xã hội Facebook hoặc nhóm chat kín trên Telegram.
Hạt giống cần sa nhập khẩu được một số trang mạng xã hội chào bán. |
Một tài khoản khác có tên “Minh Minh” không chỉ bán hạt giống cần sa mà còn bán cả quả cây thuốc phiện. Tuy nhiên, người này trao đổi có phần cảnh giác hơn, yêu cầu chúng tôi trước khi nhận hàng phải chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Việc chốt đơn nhận hàng cũng được người bán hết sức cảnh giác. Người bán chỉ ship hàng qua đường chuyển phát, từ chối gặp trực tiếp để giao dịch.
Không chỉ hạt giống được bán tràn lan cho những người có “đam mê” gieo trồng hàng cấm mà các sản phẩm thành phẩm cũng được chào bán khá sôi nổi. Để lôi kéo khách hàng, chủ tài khoản Facebook “Kush nhập” đăng tải những trạng thái quảng cáo rất “bùi tai”: “kush (cần sa) loại AAA+ là loại nhập khẩu có chất lượng tốt nhất do được trồng ngoài trời, có đủ ánh sáng tự nhiên, không làm mất đi hương vị đặc biệt. Đảm bảo bao phê!”. Theo như người bán, giá 100 gram cần sa loại này khoảng 21 triệu đồng.
Theo tiết lộ của dân bán cần sa thì “kush” nhập khẩu còn có loại 2, đây là loại được ươm trồng trong nhà và sử dụng ánh đèn nhân tạo để chăm bón. Loại này có giá rẻ hơn, khoảng 14 triệu đồng/100gram. “Chị ở khu vực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì nhận được cần sa trong ngày luôn. Còn vận chuyển xuyên Việt thì phải mất 2-4 ngày. Chị cứ an tâm, hàng lúc nào cũng có sẵn trong kho, chúng em có thể chuyển đi bất cứ đâu nhưng chị phải chuyển khoản cho em trước, ít nhất là 70% giá trị hàng”. Dứt lời, chủ tài khoản “Minh Minh” không ngại gửi cho chúng tôi xem sản phẩm để chứng minh chất lượng.
Những người bán hàng giải thích, cần sa nhập khẩu đắt hơn vì có vị thơm và “phê” hơn. Mỗi loại “kush” sẽ mang lại cảm xúc và hiệu ứng khác nhau khi sử dụng. Đặc biệt hơn, khi chơi loại này sẽ giúp ăn ngon hơn và ngủ sâu hơn. Nhưng, cũng có loại cần sa nếu sử dụng thì người dùng có cảm giác hưng phấn, có lúc gây ra ảo giác.
Một đoạn tin nhắn hướng dẫn cách gieo trồng hạt cần sa của người bán trên mạng xã hội. |
Các “shop cần sa online” không chỉ tư vấn những sản phẩm để hút mà còn có các sản phẩm khác như kẹo có tẩm chứa cần sa bên trong. Những sản phẩm kẹo tẩm cần sa sẽ kéo dài thời gian phê đến 5-6 tiếng. Không chỉ các tài khoản rao bán mà trên Facebook, Zalo, Telegram cũng có các hội nhóm kín chơi cần sa. Tại đây các thành viên chia sẻ những hình ảnh “phê pha”, kinh nghiệm mua hàng, kinh nghiệm trồng thậm chí có cả những người bán hàng cũng ở đây.
“Em chuyên kinh doanh cần sa lẻ cho anh em chơi nhé, hàng của em được vê sẵn thành điếu, rất tiện cho anh em. Đặc biệt bên em có dịch vụ ship siêu nhanh nhé, giá cho mỗi điếu là 100.000 đồng. Khi nhận, khách hàng mới phải trả tiền, tuy nhiên bọn em chỉ bán cho anh em dân chơi, quen biết”.
Những bao biện cho việc trồng cần sa tại nhà
Việc mua bán cần sa công khai trên mạng Internet có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân thời gian qua Cơ quan công an liên tiếp bắt và xử lý các đối tượng trồng cần sa ngay tại vườn và trong nhà. Tuy nhiên, các đối tượng này khi bị bắt đều đưa ra những lý do hết sức vô can như: dùng cần sa để chữa bệnh, ngâm rượu, thậm chí còn để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, Cơ quan công an khẳng định việc trồng các loại cây chứa chất ma túy là vi phạm pháp luật dù bất cứ lý do gì.
Mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 5 vụ trồng cây cần sa với quy mô lớn trong rẫy vắng ở các xã Hòa Thuận và Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột). Lực lượng công an đã phá, thu giữ hơn 1.900 cây cần sa.
Cây cần sa non được người bán quảng cáo trên trang Facebook cá nhân. |
Ngoài hơn 1.900 cây cần sa tươi, Cơ quan công an còn phát hiện, thu giữ hơn 80 kg cần sa khô. Che giấu hành vi của mình với cơ quan chức năng, các đối tượng này đã xây tường rao rất cao bao bọc xung quanh rẫy của mình. Trong các khu rẫy, có cả khu vườn ươm với hệ thống đèn LED chiếu tia cực tím đắt tiền để chăm sóc cần sa. Tại Cơ quan công an, các đối tượng này đã thừa nhận hành vi của mình, sau khi trồng cần sa rồi móc nối với nhiều đối tượng khác để mua bán trái phép, thuê người trồng, chăm sóc và đi giao cần sa cho người mua.
Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 3-2021, công an đã phát hiện 32 vụ trồng trái phép cây cần sa, xử lý 33 đối tượng, thu giữ 8.495 cây cần sa tươi. Các đối tượng thường trồng cây cần sa trong các khu rẫy vắng, thưa dân cư và trồng xen giữa các vườn cà phê, hồ tiêu để tránh sự chú ý của người dân và cơ quan chức năng. Theo lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, khi bị bắt quả tang, các đối tượng đều khai trồng cây cần sa cho gia cầm ăn để phòng tránh bệnh và tăng hiệu quả chăn nuôi nhưng thực chất các đối tượng đều nhận thức được việc trồng cây cần sa là vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, trong các vụ án có một số đối tượng đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, để trồng cây cần sa như đầu tư hệ thống quạt gió, điện chiếu sáng...
Vào tháng 4-2021, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với lực lượng chức năng TP Hội An đã phát hiện chị N.V (38 tuổi) trồng 17 cây cần sa với chiều cao từ 0,4 đến 1,7 mét phía sau vườn nhà mình. Chị V. đã khai nhận với Cơ quan công an, số cây cần sa này do chính tay chị trồng. Hạt giống những cây này được chị V. mua trên mạng xã hội. Tuy nhiên, động cơ trồng cây cần sa mà chị V. đưa ra là trồng lấy cây để uống, chữa bệnh mất ngủ. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chức năng đã không chấp nhận lý do của chị V. mà đã xử phạt hành chính do vi phạm khoản 3, Điều 21, Nghị định 167.
Người đàn ông ngoại quốc này là chủ nhân của vườn cần sa ở bãi giữa sông Hồng. |
Không chỉ người Việt Nam trồng cây cần sa tại nhà mà vừa qua cơ quan chức năng còn phát hiện một người đàn ông nước ngoài cũng trồng rất nhiều cần sa tại nhà mình. Cụ thể, Ngày 7-4, Công an TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, phát hiện ông Evans (54 tuổi, quốc tịch Canada) trồng trái phép cây cần sa trong vườn nhà tại phường Phú Thủy. Sau khi kiểm đếm, cảnh sát thu được 476 cây cần sa, cây cao nhất khoảng 2 m, thấp nhất hơn 20 cm. Người đàn ông khai lấy vợ và sinh sống tại Phan Thiết. Tại cơ quan điều tra, ông Evans giải thích mục đích trồng loại cây này để trị bệnh.
Tương tự, ngày 9-6, lãnh đạo Công an quận Long Biên, Hà Nội cho biết, không tạm giữ ông Tiberghien Frederec (55 tuổi, quốc tịch Pháp). Song, người này có thể sẽ bị xử phạt hành chính và phải điều tra để làm rõ việc “trồng, tàng trữ cần sa”.
Người đàn ông quốc tịch Pháp này kết hôn với cô gái dân tộc Dao. Khoảng 2 năm trước, vợ chồng họ thuê 3.000 m2 đất ở bãi giữa sông Hồng thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội để thâm canh, trồng cây ăn quả. Các thủ tục do người vợ đứng tên.
Vài tháng trước, Tiberghien Frederec được một người bạn không rõ lai lịch ở Yên Bái cho hạt cần sa và mang về gieo tại khu đất, rồi nhân giống. Ông không trồng thành cụm mà trồng rải rác khắp vườn, xen lẫn các cây ăn quả để tránh bị phát hiện.Tại Điều 21, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, tại Điều 247, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; với số lượng từ 500 cây đến dưới 3 ngàn cây. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3-7 năm: có tổ chức; với số lượng 3 ngàn cây trở lên; tái phạm nguy hiểm. |
Không có nhận xét nào