Thủ đoạn lừa đảo xe ôm công nghệ mùa dịch

Share:

 

TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc dừng họp chợ tạm, một số chợ truyền thống, chợ đầu mối lớn cũng phải ngừng hoạt động. Việc cung ứng lương thực, thực phẩm phần nào bị hạn chế.

Cùng với khuyến cáo của chính quyền, người dân chỉ ra đường khi có việc thật sự cần thiết, hơn bao giờ hết, vai trò của đội ngũ xe ôm công nghệ (GrabBike) được dịp “lên ngôi”. Đi chợ, giao hàng, thậm chí là mua thuốc men, đội quân này hoạt động như một chiếc máy đa năng và tiện dụng. Nhưng, cũng từ đây, xuất hiện nhiều vụ lừa đảo nhằm vào tài xế Grab...

Gài bẫy xe ôm

Trong vòng chưa đầy một tuần, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) liên tiếp triệt phá 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tài xế xe ôm GrabBike. Đây là các thủ đoạn mới, khó hình dung, phán đoán khiến nạn nhân mất cảnh giác dẫn đến rơi vào “lưới lừa” của tội phạm.

Vụ việc xảy ra vào ngày 18-6-2021, Phan Bá Phi (SN 1992, quê xã Đức Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) giả vờ thuê anh Nguyễn Văn Thừa (SN 1983, quê Kiên Giang) chở từ TP Dĩ An (Bình Dương) đến kho lạnh Năm Châu (chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, P. Tam Bình, TP Thủ Đức). Trên đường đi, Phi tâm sự tỉ tê, than nghèo kể khổ nhằm chiếm tình cảm của anh Thừa. Sau đó, gã hỏi mượn anh Thừa 2 triệu đồng để chuộc giấy tờ đã cầm cắm trước đó và hứa sẽ trả lãi thật cao.

Phan Bá Phi dùng chiêu mượn tiền trả hoa hồng thật cao để lừa đảo.

Sau khi mượn tiền, Phi bảo anh Thừa đứng bên ngoài chờ, để anh ta mang tiền vào trong chuộc lại tài sản rồi sẽ ra trả vốn lẫn hoa hồng. Anh Thừa chờ “dài cổ” vẫn không thấy khách đâu. Hóa ra, Phi đã “cao chạy xa bay” từ bao giờ.

Thấy việc kiếm tiền dễ dàng, Phi tiếp tục lừa tài xế Nguyễn Văn Chí Hiểu (SN 1994, ngụ P. An Bình, TP Dĩ An) 1,6 triệu đồng cùng với chiêu thức cũ.

Chờ hoài không thấy Phi quay ra, tài xế đi vào kho lạnh Năm Châu hỏi thì mới biết không có nhân viên nào tên Phi và có ngoại hình như mô tả. Chủ kho nghi ngờ có kẻ mượn danh kho lạnh Năm Châu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tài xế xe ôm. Nhiều khả năng đối tượng sẽ tiếp tục lừa đảo người khác nên báo cho bảo vệ và công nhân lưu ý, nếu có kẻ lạ mặt xuất hiện thì bắt giữ ngay.

Trưa 18-6, Phi tiếp tục thuê anh Vũ Văn Nam (SN 2000, ngụ P. An Bình, TP Dĩ An) chở từ ngã ba Tỉnh lộ 43 (P. Bình Hòa, TP Thuận An, Bình Dương) đến kho lạnh Năm Châu và hỏi mượn anh này 2 triệu đồng để chuộc giấy tờ rồi sẽ trả ngay. Phi vừa cầm tiền của tài xế bước vào trong khu vực kho, chưa kịp bỏ trốn thì bị các bảo vệ kho khống chế, bắt giao Công an P. Tam Bình.

Cũng trong tháng 6-2021, Công an TPThủ Đức tiếp nhận 6 trường hợp trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại P. Hiệp Bình Chánh. Nạn nhân cũng là các bác tài xe ôm công nghệ.

Theo hồ sơ, do thiếu nợ nhiều người nhưng không có khả năng chi trả, Trần Văn Dương (SN 1984, tạm trú P. Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các tài xế xe ôm.

Trần Văn Dương thừa nhận đã gây ra nhiều vụ lừa đảo nhằm vào tài xế xe ôm công nghệ.

Gã sử dụng số điện thoại đăng nhập vào ứng dụng dịch vụ giao hàng Ahamove để đặt tài xế đến nhận hàng là bao cà phê hạt loại 50kg đem giao cho khách. Theo thông lệ, tài xế sẽ ứng tiền của mình trả trước cho Dương rồi sẽ nhận lại tiền từ khách mua cà phê của Dương.

Dương dựng lên một khách hàng và địa chỉ ảo rồi cung cấp số điện thoại, thực chất là số thứ hai của Dương. Khi tài xế không tìm ra được địa chỉ và gọi điện vào số điện thoại Dương cung cấp. Lúc này, Dương nghe máy đã từ chối nhận hàng.

Tài xế đành chở bao cà phê quay về địa chỉ ban đầu trả lại thì Dương nhận bao cà phê nhưng viện cớ đã lỡ sử dụng hết số tiền tài xế tạm ứng, khi nào có tiền sẽ trả. Dương đã chiếm đoạt số tiền đem trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Bằng thủ đoạn trên, chỉ trong vòng 1 tuần, Dương đã chiếm đoạt của 6 tài xế xe ôm công nghệ, với tổng số tiền gần 40 triệu đồng.

Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức tiến hành bắt Dương. Tại trụ sở, Dương đã khai nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo tinh vi

Bên cạnh các đối tượng đã “sa lưới”, còn nhiều tài xế xe ôm đang cười ra nước mắt trước các thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo. Ngày 1-7-2021, anh Hoàng Công Khánh (ngụ P. Tân Hưng, Q.7) chạy xe Grab giao một bao hàng trị giá 560 ngàn đồng cho một khách hàng khu vực P. Tân Phong (Q.7). Trước khi nhận hàng, anh Khánh đã kiểm tra rất kỹ thông tin địa chỉ người giao và nhận. Nhưng, anh Khánh không ngờ, địa chỉ của người giao là ảo, chỉ có người nhận là thật nhưng lại không đúng chủ thể. Anh Khánh chạy tới địa chỉ, bấm chuông gọi chủ nhà ra nhận thì bị từ chối với lí do nhầm người.

Anh Khánh gọi điện thoại cho người nhận ghi trên hóa đơn thì bỗng dưng không liên lạc được (trước lúc giao gọi được). Anh tiếp tục gọi cho người giao hàng cả chục cuộc nhưng không nghe máy nên quyết định quay trở lại địa chỉ ban đầu để trả lại. Tuy nhiên, vị trí nhận hàng là đầu con hẻm, số nhà ghi trên đó là tiệm thuốc tây. Anh Khánh đứng chờ ở đầu hẻm cả tiếng đồng hồ không thấy chủ nhân đâu đành ngậm ngùi quay về.

Bị “bom” mấy trăm ngàn, đó là số tiền 2 ngày trời anh Khánh chạy bạt mạng ngoài đường mới kiếm đủ.

Cùng thủ đoạn trên, nhiều tài xế đã bị dính bẫy lừa. Đối tượng lừa đảo rất ma mãnh, chúng đánh vào tâm lý phiền toái, mất thời gian đi trình báo hoặc tố cáo của nạn nhân. Quả thật, các tài xế bị lừa tiền đều có chung suy nghĩ “thôi mất có mấy trăm kiện cáo làm gì”. Giữa thời dịch bệnh, mỗi người mất một ít gộp lại cũng là con số không nhỏ. Một ngày, đối tượng lừa vài người cũng kiếm được tiền triệu.

Trước nạn lừa đảo nhằm vào xe ôm công nghệ, Công an TP Hồ Chí Minh đã đưa ra cảnh báo cho các tài xế phải luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo với các đối tượng có biểu hiện bất thường. Tuyệt đối không cho người lạ mượn tiền hoặc tài sản. Cần trình báo ngay đến Cơ quan công an khi gặp đối tượng lừa đảo. 

Ngọc ThiệnNguồn: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/thu-doan-lua-dao-xe-om-cong-nghe-mua-dich-648620/


Không có nhận xét nào