Bé 2 tháng tuổi bị nhỏ nhầm axit vào miệng

Share:

 HÀ NỘINgười nhà lấy nhầm lọ acid trichloracetic 80% cho bé gái 2 tháng tuổi uống, thay vì lọ thuốc aquadetrim (vitamin D3) đang dùng hàng ngày.

Lọ acid trichloracetic 80% là một chất tương tự axit axetic, điều trị mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân. Người nhà cho biết do hình dáng và màu sắc của hai lọ giống nhau, bất cẩn đã lấy nhầm.

Sau khi nhỏ thuốc vào miệng, trẻ khóc thét, hoảng loạn, người nhà mới phát hiện sự nhầm lẫn. Bé được gia đình sơ cứu tại nhà bằng cách rửa khoang miệng bằng nước, sau đó đưa đến đơn vị Bỏng - Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, bé được chẩn đoán bỏng axit độ III khoang miệng, tổn thương phổi và theo dõi bỏng thực quản. Sau 10 ngày được điều trị tích cực bằng các thuốc đặc hiệu, sức khỏe của bệnh nhi ổn định. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết trẻ cần được theo dõi tình trạng ăn uống và hô hấp để theo dõi di chứng tổn thương phổi và thực quản sau bỏng.

Gần đây, đơn vị Bỏng - khoa Chỉnh hình, đã tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏng và di chứng bỏng nặng nề. Một bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội, bị điện giật, tím tái, ngừng thở. Gia đình sơ cứu tại chỗ, sau 35 phút ép tim, bé thở lại được đưa vào cơ sở y tế gần nhà sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở máy, suy đa tạng, hôn mê sau ngừng tuần hoàn, bỏng điện độ IV-V vùng cổ tay phải, cổ tay trái và vùng ngực.

Sau một tuần điều trị, bé cai máy thở, song vẫn suy thận cấp nặng, điều trị tại khoa Thận và Lọc máu. Khi tình trạng suy thận được cải thiện, ngày 13/9 bé được các bác sĩ đơn vị Bỏng - Khoa Chỉnh hình, phẫu thuật cắt lọc hoại tử, chuyển vạt da, ghép da che phủ diện bỏng hoại tử da, gân cơ, xương. Hiện, sức khỏe cháu ổn định.

Bé 2 tháng tuổi bị nhỏ nhầm axit vào miệng
Một em bé bị bỏng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Khánh Chi

Bác sĩ Phùng Công Sáng, Phụ trách đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 11/10, cho biết bỏng là tổn thương cấp tính của cơ thể gây nên bởi nhiệt, hóa chất, dòng điện, bức xạ. Da trẻ em mỏng và liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn, nên bỏng thường nặng và sâu. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao, nguy cơ sốc bỏng cũng cao hơn (dù diện tích bỏng không lớn 3-5%).

Rất nhiều nguyên nhân gây bỏng cho trẻ em, trong đó có sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm sóc trẻ. Bỏng chủ yếu ở vùng cơ quan vận động (bàn tay, bàn chân), do nước sôi hoặc cháo. Bỏng bàn tay, chân hầu như không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng để lại hậu quả về chức năng và thẩm mỹ theo suốt cuộc đời của trẻ, nếu điều trị di chứng thì cũng lâu và tốn kém.

Bỏng điện: Thường nặng gây ra vết bỏng sâu tới cơ xương, đặc biệt với điện cao thế hoặc điện sinh hoạt (thời gian tiếp xúc dài). Mức độ nặng của vết bỏng tùy thuộc vào cường độ dòng điện, thời gian tiếp xúc với điện. Bỏng điện có tỷ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng như rối loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim, hoại tử da, gân, cơ, di chứng ở não, gây mất hoặc giảm chức năng của cơ quan bị bỏng, ảnh hưởng đến thẩm mĩ. Trẻ có thể phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần và phải tập phục hồi chức năng tốt thì mới có thể phục hồi.

Bỏng hóa chất: Là tình trạng bỏng xảy ra khi tiếp xúc với các loại axit hoặc bazơ. Bỏng hóa chất có thể gây phản ứng trên da hoặc cơ thể nạn nhân, làm tổn thương các cơ quan nội tạng nếu không may nuốt phải hóa chất vào người. Bỏng hóa chất hay gặp ở các vùng thẩm mỹ như mặt, mắt, ngực, bộ phận sinh dục và để lại hậu quả nặng nề về thẩm mỹ và chức năng. Mức độ nặng phụ thuộc vào loại hóa chất, nồng độ và PH của hóa chất, số lượng và thời gian hóa chất tiếp xúc với cơ thể.

Bé 2 tháng tuổi bị nhỏ nhầm axit vào miệng
Bàn tay của một em bé bị phồng rộp do bỏng. Ảnh: Khánh Chi

Xử trí bỏng

Sơ cứu ban đầu tại nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế độ sâu của bỏng, mức độ nặng toàn thân và tránh tình trạng bội nhiễm. Tuy nhiên việc sơ cứu cần người giám hộ trẻ phải bình tĩnh và xử trí đúng cách. Theo bác sĩ Sáng, khi trẻ bị bỏng cần nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguyên nhân gây bỏng.

Đối với trẻ bị bỏng điện: nhanh chóng tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát. Nếu trẻ bị ngã, cần có phương án chống đỡ phía dưới để tránh tình trạng chấn thương nặng thêm. Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu cho đúng, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi (nếu có) bị nặng thêm. Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ. Gia đình chỉ nên di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khi trẻ đã được sơ cấp cứu ban đầu.

Đối với trẻ bị bỏng hóa chất: Rửa ngay vùng bị bỏng, rửa liên tục bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy, nếu không các tổ chức ở vùng bỏng sẽ bị tổn thương nặng hơn. Nếu bỏng mắt do hóa chất cần được rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục cho hoá chất trôi ra hết.

Phải nhanh chóng tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Khi tháo phải lưu ý bảo vệ tay của người làm động tác đó (không dùng tay trần để tháo). Không cởi quần áo người bị bỏng rất dễ gây lột da, tốt nhất là nên xé bỏ quần áo dính hoá chất. Nếu vết bỏng chảy nhiều máu, sau khi rửa sạch dưới vòi nước nên băng vết bỏng lại. Lưu ý không băng chặt và phải dùng bông, gạc sạch. Sau khi sơ cứu xong, cần chuyển ngay nạn nhân tới trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Đối với trẻ bỏng do nước sôi, bỏng hơi, cháo: ngay khi trẻ bị bỏng cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng). Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt, nếu diện bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng. Cách này có tác dụng giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn cho trẻ, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có điều trị bỏng để được điều trị kịp thời.

Lê Nga

Nguồn: https://vnexpress.net/be-2-thang-tuoi-bi-nho-nham-axit-vao-mieng-4370102.html


Không có nhận xét nào