Khi được thợ bắt rắn thả về rừng, bầy hổ mang chúa nhanh chóng di chuyển và cùng trèo lên một thân cây, bám ở đó khoảng 15 phút.
Bầy hổ mang chúa cùng bám quanh thân cây trong khu bảo tồn Melghat Tiger. Ảnh: Rajendra Semalkar |
Nilesh Wankhede chứng kiến cảnh tượng khác thường khi 3 con hổ mang chúa cùng trèo lên một thân cây trong khu bảo tồn Melghat Tiger, phía tây bang Maharashtra, Ấn Độ. Những bức ảnh chụp được đăng lên mạng xã hội hôm 16/11, đến nay đã thu hút hơn 500 bình luận và 2.300 lượt chia sẻ.
"Tôi đã bắt hàng trăm con rắn trong 20 năm qua nhưng chưa từng gặp cảnh tượng nào như vậy. Thật kinh ngạc khi thấy ba con ở cùng nhau. Tôi thấy may mắn khi chứng kiến khoảnh khắc độc đáo này. Hổ mang chúa rất độc và sự cố có thể xảy ra, nhưng cuối cùng, chúng không tấn công chúng tôi", Wankhede chia sẻ.
"Tôi đã bắt lũ rắn từ những nơi khác nhau trong làng, sau khi chúng bị phát hiện. Một con trốn trong văn phòng kiểm lâm, con khác ở chuồng bò và con cuối cùng trốn trong một căn lều. Sau khi bắt lũ rắn, tôi cùng bạn đưa chúng vào rừng để thả về tự nhiên", anh giải thích thêm.
Bầy hổ mang chúa nhanh chóng trèo lên cây ngay khi Wankhede mở túi để thả chúng về rừng. Chúng phình rộng phần cổ đặc trưng và quấn quanh thân cây trước sự quan sát của những người đàn ông. "Đó là một cảnh tượng thú vị vì chúng không bò trên cỏ hay chui vào các hang hốc. Chúng treo mình trên cây trong khoảng 15 phút", Wankhede nói.
Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn độc dài nhất thế giới. Con trưởng thành thường dài khoảng 4 m, nhưng một số có thể dài tới hơn 5,5 m. Hổ mang chúa phân bố ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Loài vật này thường đi săn vào ban ngày, nhắm đến những con mồi như rắn, thằn lằn, trứng và một số loài thú nhỏ. Hổ mang chúa thường săn mồi trên mặt đất, nhưng chúng cũng có thể leo lên cây và bơi dưới nước.
Thu Thảo (Theo Mail)
theo: vnexpress
Không có nhận xét nào