Điều tra xác ướp "nàng tiên cá" 300 năm tuổi, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ bên trong

Share:

 Hóa ra "nàng tiên cá" này không phải là một tạo vật của tự nhiên.

Từ hàng thế kỷ nay, một xác ướp "nàng tiên cá" 300 năm tuổi vẫn được thờ phụng tại Nhật Bản như một điềm báo cho sức khỏe tốt. Tuy nhiên, dường như các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm ra nguồn gốc của xác ướp "thân người, đuôi cá" này.

Xác ướp "nàng tiên cá" này lần đầu tiên lọt vào mắt của các nhà khoa học khi ông Hiroshi Kinoshita, thành viên của Hiệp hội Văn hóa Okayama phát hiện trong chiếc hộp của một ngôi đền tại tỉnh Okayama. Theo ghi chú trong hộp đựng, mẫu vật này được một ngư dân phát hiện vào khoảng những năm 1736 đến 1741 và sau đó bán lại cho một gia đình giàu có.

Điều tra xác ướp "nàng tiên cá" 300 năm tuổi, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ bên trong

Xác ướp này có phần giống với hai sinh vật thần thoại xuất hiện trong văn hóa dân gian Nhật Bản là Amabies – một nàng tiên cá với mỏ khoằm và 3 vây đuôi riêng biệt – và Ningyo, một sinh vật giống như cá với đầu người. Trong văn hóa Nhật Bản, các sinh vật này đều gắn với những câu chuyện về khả năng thần kỳ trong chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Giờ đây Takafumi Kato, một nhà cổ sinh vật học và các đồng nghiệp tại Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki bắt đầu tìm hiểu về nguồn gốc của xác ướp này sau khi Kinoshita thuyết phục được ngôi đền cho phép các nhà khoa học điều tra về xác ướp bất thường này.

Ngày 2 tháng Hai vừa qua, nhóm nghiên cứu đã quét CT toàn bộ xác ướp này. Kết quả quét ban đầu cho thấy, dường như xác ướp này là sự kết hợp giữa thân một con khỉ được khâu vào đuôi cá, sau đó nó còn được tô điểm thêm bằng tóc và móng tay con người. Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu dự định sẽ lấy mẫu ADN để xác định xem những loài nào bên trong xác ướp này.

Điều tra xác ướp "nàng tiên cá" 300 năm tuổi, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ bên trong
Đây cũng không phải xác ướp tiên cá duy nhất tại Nhật Bản. Theo trang Asahi Shimbun, một số xác ướp tiên cá tương tự như vậy đang được thờ phụng tại hai ngôi đền khác ở Nhật
Ông Kozen Kuida, trụ trì một ngôi đền nói với trang Asahi Shimbun: "Chúng tôi thờ phụng nó, hy vọng nó có thể giảm nhẹ đại dịch coronavirus, dù chỉ chút ít." Trước đó, xác ướp tiên cá trên được trưng bày trong tủ kính của ngôi đền để khách thăm quan đến chiêm ngưỡng và cúng bái.

Theo trang Live Science, những xác ướp tiên cá giả này nhiều khả năng đã được người dân địa phương tạo ra để bán cho du khách phương Tây tò mò. Một trò lừa tương tự được gọi là Nàng tiên cá Feejee đã được bán cho các du khách người Hà Lan ở Nhật Bản vào những năm 1810 và sau đó bán lại cho các thương gia người Anh, trước khi được đưa tới Mỹ - nơi nó trở thành một phần trong bộ sưu tập nổi tiếng của P. T. Barnum.

Nàng tiên cá giả dài 91cm này được cho là sự kết hợp giữa thân của một con đười ươi và đuôi của một con cá hồi.

Trong khi đó dù biết đây chỉ là một tác phẩm nhân tạo, các thầy tu trong ngôi đền ở tỉnh Okayma cho biết, họ hy vọng nghiên cứu mới này sẽ bổ sung vào di sản của nàng tiên cá này và giúp nó tồn tại thông qua văn hóa dân gian trong tương lai.

Tham khảo Sciencealert


Không có nhận xét nào