Lý do người ngoài hành tinh mãi chưa đến thăm Trái đất

Share:

 

Đây là câu hỏi đã làm các nhà khoa học trên thế giới cố gắng tìm kiếm câu trả lời suốt hàng thập kỷ, rằng nếu có người ngoài hành tinh sống trong vũ trụ, vì sao họ lại chưa đến thăm Trái đất?

Lý do người ngoài hành tinh mãi chưa đến thăm Trái đất
Ảnh minh họa người ngoài hành tinh.

Tiến sĩ Michael Wong, đến từ Viện Khoa học Carnegi và tiến sĩ Stuart Bartlett, đến từ Viện Công nghệ California, nêu giả thuyết các nền văn minh ngoài hành tinh phát triển đến mức độ gọi là “điểm khủng hoảng” và từ đó mất cơ hội ghé thăm các thế giới khác.

Năm 1950, nhà vật lý Italia Enrico Fermi từng nêu Nghịch lý Fermi mang tên mình. Ông ước tính trong vũ trụ có 200-400 tỉ ngôi sao và ít nhất 100 tỉ hành tinh trong thiên hà, nghĩa là sự sống không thể chỉ duy nhất hình thành trên Trái đất.

Trong nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Royal Society Open Science, tiến sĩ Wong và tiến sĩ Bartlett tìm kiếm câu trả lời cho Nghịch lý Fermi.

Hai nhà khoa học đánh giá sự phát triển của một nền văn minh đi kèm với sự bùng nổ dân số và mức độ tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn. Đến một mức nào đó, hai vấn đề này vượt quá khả năng đổi mới của xã hội, khiến cả hệ thống sụp đổ.

Ở Trái đất, các nhà khoa học nêu một số ví dụ như tầng ozone cạn kiệt, sự bùng nổ của các vũ khí hủy diệt hàng loạt và nạn săn bắt quá mức, dẫn đến môi trường sống kiệt quệ, nếu như không có biện pháp khắc phục.

Lý do người ngoài hành tinh mãi chưa đến thăm Trái đất
Các nền văn minh ngoài hành tinh có thể từng trải qua "điểm khủng hoảng", từ đó không đạt sự phát triển rực rỡ như trước và không thể vượt ra khỏi hành tinh để khám phá vũ trụ.

Hai nhà khoa học cho rằng, các nền văn minh ngoài hành tinh cũng trải qua sự kiệt quệ như vậy. “Các nền văn minh trải qua nhiều quá trình phát triển, đạt đến mức rực rỡ rồi trở nên kiệt quệ. Một cuộc khủng hoảng sớm muộn xảy ra, dù không đến mức hủy diệt nhưng khiến nền văn minh hướng đến sự phát triển cân bằng hơn và không thể mở rộng khám phá vũ trụ”, tiến sĩ Wong và tiến sĩ Bartlett cho biết, nhấn mạnh rằng rất khó để phát hiện các nền văn minh như vậy từ xa, do công nghệ của nhân loại còn hạn chế.

Hai nhà khoa học thừa nhận rằng các nền văn minh ngoài hành tinh có thể dự đoán về thời điểm đạt đến “điểm khủng hoảng” để tạo ra thay đổi và ngăn chặn sự kiện này xảy ra. Nhưng việc kiểm soát sử dụng các nguồn tài nguyên khiến cho nền văn minh giảm mức độ phát triển và trở nên khó phát hiện hơn.

Khi một nền văn minh tiến gần tới điểm khủng hoảng, đây có thể là lúc con người dễ phát hiện ra nhất. “Các sự thay đổi trên quy mô hành tinh có thể tạo thành các tín hiệu dễ phát hiện từ xa”, hai nhà khoa học cho biết.

Hai nhà khoa học nhấn mạnh rằng, nghiên cứu của họ chỉ là một giả thuyết và cần có những nghiên cứu sâu hơn để chứng minh.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh đưa ra dự đoán về thời gian cần thiết để con người có thể liên lạc với người ngoài hành tinh.

Các nhà nghiên cứu dự đoán, sớm nhất cần 2.000 năm và nếu đánh giá thực tế hơn thì có thể phải 400.000 năm nữa, con người mới liên lạc được với người ngoài hành tinh.  

Nguồn: http://danviet.vn/ly-do-nguoi-ngoai-hanh-tinh-mai-chua-den-tham-trai-dat-5020228555920799.htm

Không có nhận xét nào