Nguy hiểm khi để trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy

Share:

 Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) vừa tiếp nhận điều trị một bé gái 4 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng. Tai nạn do xe máy lao vọt về trước khi bé tự vặn tay ga khi được người lớn cho ngồi phía trước.

Tai nạn trong một tình huống phổ biến

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, bé gái nhập viện trong tình trạng chấn thương ngực kín, dập nhu mô phổi, chấn thương gan và vỡ xương sọ.

Hướng dẫn vị trí an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe máy

BV NHI T.Ư

Chị H., mẹ của bé gái, cho hay trên đường đón con từ trường về nhà, chị cho con ngồi phía trước như mọi ngày. Khi dừng xe mua đồ, do xe máy có tính năng ngắt động cơ tạm thời nên chị H. sơ ý không tắt máy. Bé gái sau khi xuống lấy đồ do mẹ mua đã trèo lên xe máy, cùng lúc mẹ của bé bỏ tay lái ra để lấy ví trả tiền. Lên xe, bé vô tình nắm vào tay ga và vặn mạnh đẩy chiếc xe lao vọt đi, cả hai mẹ con cùng ngã văng ra đường.

Tai nạn khiến bé gái ngất lịm, được gia đình đưa vào bệnh viện gần nhất. Sau khi được sơ cứu, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư.

Vị trí sau tay lái thật ra là vị trí nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp là lực quán tính đẩy trẻ về phía trước, đầu hoặc ngực trẻ có thể đập vào tay lái hoặc trẻ bị văng ra xa.

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư, thời điểm nhập viện, trẻ tỉnh táo không khó thở, các BS kiểm tra, chụp X - quang phổi chưa thấy bất thường. Tuy nhiên, khi tiến hành siêu âm ổ bụng thì phát hiện trẻ bị đụng dập nhu mô gan. Sau đó, trẻ nhanh chóng xuất hiện tình trạng suy hô hấp và trào rất nhiều máu tươi qua đường mũi miệng.

“Ngay lập tức, trẻ được các BS cấp cứu đặt nội khí quản và tiến hành cho trẻ chụp CT ngực thì thấy hình ảnh đụng dập phổi, chấn thương ngực. Bệnh nhi được hồi sức và chuyển lên khoa hồi sức ngoại thở máy, tiếp tục điều trị”, BS Hùng cho biết.

“Bệnh nhi nhập khoa điều trị tích cực ngoại với chấn thương phổi, gan và vỡ xương sọ. Tại đây, chúng tôi tiếp tục cho trẻ thở máy để đảm bảo chức năng hô hấp chờ đợi phổi hồi phục. Rất may, qua 4 ngày điều trị tích cực, trẻ được cai máy thở, tự thở, chức năng phổi được cải thiện nhiều, chấn thương gan chỉ cần điều trị bảo tồn và không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, về thần kinh thì trẻ có sang chấn về tâm lý cần điều trị và theo dõi thêm”, TS-BS Đặng Ánh Dương, Trưởng khoa Điều trị tích cực ngoại, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho hay.

Vị trí sau tay lái là nguy hiểm nhất

TS-BS Đặng Ánh Dương thông tin ngoài trường hợp nêu trên, trong tháng 8.2022, khoa điều trị tích cực ngoại đã tiếp nhận một số trẻ từ 11 - 15 tuổi nhập viện điều trị do ngã xe đạp và xe đạp điện gây chấn thương gan, chấn thương tụy, thậm chí có trường hợp bị dập ruột. Gần đây nhất là một trẻ 11 tuổi phải cắt đôi gan do bị tai nạn khi đi xe đạp điện.

Khi cho trẻ tham gia giao thông, cha mẹ lái xe với tốc độ ổn định vừa phải, mang đai chắc chắn nối giữa người lái với trẻ nhỏ. Đặc biệt, với trẻ nhỏ 1 - 2 tuổi, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa 2 người lớn. Tuyệt đối không cho trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy. Cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Cha mẹ xuống xe máy thì phải tắt máy và cho trẻ xuống xe vì khi trẻ ngồi trên xe có thể xảy ra 2 tình huống: xe có thể đổ đè vào người; hoặc nếu xe máy chưa tắt khóa điện, trẻ vô tình động vào tay ga gây tai nạn.

Trẻ chưa đủ tuổi đi xe đạp điện và chưa được đào tạo cách lái xe máy thì không nên đi xe đạp điện, vì xe đạp điện đi với tốc độ tương đối cao và không gây tiếng ồn, khi trẻ đi qua ngã ba, ngã tư không kiểm soát được tốc độ có thể dẫn đến tự ngã hoặc gặp tai nạn.

(Nguồn: Bệnh viện Nhi T.Ư)

Qua đây, các BS lưu ý hiện khá phổ biến tình huống phụ huynh để trẻ em ngồi phía trước hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga mà không đeo đai thắt an toàn khi đang điều khiển xe máy. Thậm chí có người vừa chạy xe vừa giữ trẻ ở trước bằng một tay. Điều này rất nguy hiểm bởi trẻ nhỏ chưa có ý thức bám vào người lớn, nên khi xe chuyển hướng hoặc đi qua các đoạn đường xóc, trẻ khó giữ được thăng bằng, có thể ngã khỏi xe.

Ngoài ra, trẻ có thể vô ý vặn tay ga làm xe di chuyển mất kiểm soát. Bên cạnh đó, vị trí sau tay lái thật ra là vị trí nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp là lực quán tính đẩy trẻ về phía trước, đầu hoặc ngực trẻ có thể đập vào tay lái hoặc trẻ bị văng ra xa.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nguy-hiem-khi-de-tre-ngoi-truoc-nguoi-dieu-khien-xe-may-post1502312.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews


Không có nhận xét nào